Lạm phát tiếp tục "nóng" ở nhiều nước châu Á phần lớn do giá gạo tăng

Ngày đăng: 15:12 PM, 24/01/2024 - Lượt xem: 67

Lạm phát tiếp tục "nóng" ở nhiều nước châu Á phần lớn là do giá gạo và hàng thực phẩm khác tăng cao; trong đó, giá lương thực tăng chiếm 50-70% trong cơ cấu gây ra lạm phát ở Philippines và Ấn Độ.

Lạm phát tiếp tục "nóng" ở nhiều nước châu Á phần lớn là do giá gạo và các mặt hàng thực phẩm khác tăng cao.

Giá lương thực tăng chiếm đến 50-70% trong cơ cấu gây ra lạm phát ở Philippines và Ấn Độ. Giá gạo đã đạt mức cao nhất trong 15 năm do thời tiết khắc nghiệt và lệnh cấm xuất khẩu.

Giá gạo tăng vọt do thời tiết khắc nghiệt khiến sản lượng thu hoạch kém. Giá gạo khó có thể giảm sớm vì nhiều nhà xuất khẩu gạo không muốn bán ra nước ngoài mà để ưu tiên cho nhu cầu trong nước. Tình hình này đang làm gia tăng lo ngại về nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực hồi cuối những năm 2000.

Lạm phát đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại ở một số nước châu Á, nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vào tháng 11/2023, lạm phát tại Philippines đạt 4,1%, so với mức 3,1% ở Mỹ và 2,4% ở Khu vực đồng euro (Eurozone). Gần một phần ba mức tăng này là do giá gạo tăng. Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. đã quyết định áp mức trần đối với giá gạo trong một tháng đến đầu tháng 10/2023.

Giá lúa mỳ và ngô đã tăng vọt trên toàn cầu vào năm 2022 sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nơi được coi là vựa lúa mỳ của châu Âu. Trong khi lạm phát lương thực ảnh hưởng nặng nề đến Mỹ và châu Âu, thì tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine lại tương đối hạn chế ở châu Á.

Nhưng từ đầu năm đến nay, "trung tâm" của lạm phát lương thực đã chuyển sang châu Á, nơi chiếm khoảng 80% nhu cầu gạo toàn cầu. Trong khi giá lúa mỳ quốc tế đã bắt đầu giảm thì giá gạo lại tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm vào cuối tháng 12/2023, tăng khoảng 40% so với hồi tháng 1/2023.

Giá gạo tăng phần lớn là do el-Nino. Hiện tượng thời tiết này đã gây ra những đợt khô hạn ở Nam Á và Đông Nam Á, tàn phá mùa màng.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo toàn cầu đạt tổng cộng 510 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023. Nông sản này thường được tiêu thụ ở các quốc gia sản xuất, trong đó có Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất với 150 triệu tấn.

Giá gạo quốc tế có xu hướng biến động mạnh do chỉ khoảng 10% sản lượng toàn cầu được dành để xuất khẩu. Những biến động như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia không thể tự đáp ứng nhu cầu trong nước và phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Thị trường gạo toàn cầu cũng gặp cú “sốc” mới vào tháng 7/2023 khi Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% lượng xuất khẩu gạo toàn cầu, cấm xuất khẩu gạo trắng, ngoại trừ gạo basmati.

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi muốn ưu tiên nguồn cung gạo trong nước trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử quốc gia vào năm 2024. Lạm phát của Ấn Độ vẫn ở mức cao 5,6% trong tháng 11/2023, với giá thực phẩm tăng 3,7%.

Toru Nishihama, nhà kinh tế hàng đầu tại tổ chức nghiên cứu Dai-ichi Life Research Institute, dự báo Indonesia có thể sẽ hành động tương tự, vì nước này sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống vào năm 2024. Mong muốn tăng cường an ninh lương thực khiến Jakarta có thể chuyển sang ưu tiên đáp ứng nguồn cung trong nước, đẩy giá lương thực tăng mạnh trên thị trường quốc tế.

Thế giới dường như đang sắp rơi vào một vòng xoáy tiêu cực, trong đó những lo ngại về an ninh lương thực và thời tiết bất thường khiến các nước sản xuất ngũ cốc phải tích trữ, càng làm trầm trọng mối lo về nguy cơ nguồn cung bị thiếu hụt.

Nhà kinh tế hàng đầu phụ trách khu vực châu Á tại HSBC Frederic Neumann cho biết ký ức về cuộc khủng hoảng giá thực phẩm ở châu Á trong năm 2008 vẫn còn in sâu. Giá thực phẩm tăng vọt trên toàn thế giới cách đây 15 năm do dòng tiền đầu cơ đổ vào thị trường.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), giá của nhiều loại thực phẩm đang biến động mạnh, xảy ra ở 7 trong 8 loại cây trồng chủ lực trong năm 2023.

Lạm phát lương thực đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở Nam Á và Đông Nam Á, nơi thực phẩm chiếm 30-50% tổng chi tiêu hộ gia đình, so với khoảng 10-20% ở các nền kinh tế đã phát triển. Giá lương thực cao hơn cũng ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ.

Để đối phó với lạm phát gia tăng, Ngân hàng trung ương Philippines đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) lên 6,5%/năm tại cuộc họp khẩn cấp hồi cuối tháng 10/2023.

Có nhiều đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vốn đi đầu trong việc thắt chặt tiền tệ toàn cầu, sẽ chuyển sang chính sách nới lỏng vào năm 2024, làm dấy lên kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm.

Tuy nhiên, nhiều nước châu Á chưa thoát khỏi khó khăn với lạm phát lương thực vẫn đang âm ỉ, khiến các nhà hoạch định chính sách trong khu vực tiếp tục phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là cân bằng giữa kiểm soát giá cả và tăng trưởng kinh tế./.

Giá xăng, dầu tăng lần thứ 2 liên tiếp, xăng RON95 lên gần 22,500 đồng/lít

Giá xăng, dầu tăng lần thứ 2 liên tiếp, xăng RON95 lên gần 22,500 đồng/lít

15:36 PM, 24/01/2024
Mỗi lít xăng tăng 370-550 đồng, các mặt hàng dầu cũng đắt thêm 200-490 đồng tùy loại, từ 15h hôm nay.
Dư địa lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường UAE

Dư địa lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường UAE

15:20 PM, 24/01/2024
UAE phải nhập khẩu hầu hết các loại lương thực, thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân. Do đó, thị trường này hầu như không có rào cản thương mại. Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu vào UAE phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người Việt dùng gần 19 tỷ quả trứng gia cầm trong năm qua

Người Việt dùng gần 19 tỷ quả trứng gia cầm trong năm qua

17:27 PM, 24/01/2024
Sản lượng trứng gia cầm của nước ta lên tới 19,22 tỷ quả. Trong đó, lượng trứng xuất khẩu chỉ khoảng 1%, số còn lại để phục vụ tiêu dùng nội địa.
Chị Hương
Đã mua sản phẩm